Từ cá biển đến rau sạch: Những "kỳ tích" làm giàu của người dân xứ Nghệ
Agribank chắp cánh khát vọng khởi nghiệp
Giữa tháng 3, nắng gió biển (Hoàng Mai, Nghệ An) vẫn còn se lạnh, nhưng xưởng sản xuất của Công ty cổ phần Biển Quỳnh lại rộn ràng một bầu không khí ấm áp lạ thường. Từng mẻ cá tươi rói được chuyển đến, những đôi tay thoăn thoắt cân đo, đóng gói, tạo nên một nhịp điệu lao động hăng say.
Ở vùng biển này, nơi cuộc sống vốn dĩ bấp bênh theo con nước, một công việc ổn định là niềm mơ ước của bao người. Chị Thắm, một công nhân của xưởng, không giấu được niềm vui: "Trước đây, thu nhập của chúng tôi không ổn định, nay đây mai đó. Giờ thì khác rồi, có công việc đều đặn, thu nhập ổn định, lại được đóng bảo hiểm, có chế độ đãi ngộ vào các dịp lễ Tết. Chúng tôi thực sự rất vui và mong công ty ngày càng phát triển hơn nữa".

Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Biển Quỳnh.
Ít ai biết, để có được "tài sản"như hôm nay, anh Hoàng Văn Long – Phó Giám đốc Công ty cổ phần Biển Quỳnh cũng nhiều phen "đau đầu vì tiền".
Trước đó, anh có gần 10 năm làm việc trong ngành thủy sản ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Thành thạo nghề, hiểu thị trường, nhưng điều canh cánh trong anh là: "Làm sao để đưa sản phẩm cá sạch của Nghệ An đến được tay người tiêu dùng cả nước? Làm sao để bà con ngư dân không còn nỗi lo bị thương lái ép giá?". Những trăn trở đó luôn thường trực trong anh, thôi thúc anh "hồi hương", với khát khao làm giàu ngay trên mảnh đất mình sinh ra.
Năm 2018, anh trở về quê, gom góp 2 tỷ đồng cùng một người bạn lập nên Công ty cổ phần Biển Quỳnh. Thời điểm đó, xưởng chỉ rộng 200m², nguồn vốn eo hẹp, tài sản thế chấp không có, tiếp cận vốn gần như bế tắc. Trong khi đó, nguyên liệu cần thu mua thì mùa vụ không chờ ai. May thay, nhờ gặp được những cán bộ ngân hàng "có tâm" của Agribank chi nhánh Hoàng Mai, đặc biệt là ông Hồ Văn Hảo khi đó là Giám đốc Agribank chi nhánh Hoàng Mai, nay là Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Nghệ An động viên, mọi cánh cửa bắt đầu mở ra.
"Hồi đó khó khăn lắm, vốn liếng chẳng có bao nhiêu, đi gõ cửa khắp nơi vay vốn mà toàn bị từ chối. Nhưng may mắn thay, chúng tôi được anh Hảo động viên và hướng dẫn anh em chúng tôi lập đề án về định hướng phát triển của công ty. Ngay sau đó Agribank giải ngân khoản vay 500 triệu đồng. Có được nguồn vốn lưu động chúng tôi bắt tay ngay vào thu mua và bắt đầu bán các sản phẩm cho siêu thị Big C với đơn hàng đầu tiên là 20 triệu đồng, rồi dần nâng lên mỗi tuần 2 đơn hàng cho Bic C 200 triệu đồng/đơn hàng", anh Long nhớ lại.
Anh Hảo nói chúng tôi: Các chú phải viết đề án, phải có lộ trình. Mình trình bày chân thành: mong muốn duy nhất là đưa sản phẩm quê mình vào siêu thị. Ngân hàng không chỉ cho vay, mà còn chỉ mình cách đi.
Anh Hoàng Văn Long, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Biển Quỳnh.
500 triệu đồng vốn lưu động từ Agribank trở thành "cú hích" đầu tiên giúp Công ty cổ phần Biển Quỳnh thu mua được cá nguyên liệu, duy trì sản xuất. Những đơn hàng đầu tiên được hoàn thành.
Năm 2020, doanh nghiệp cần mở rộng nhà xưởng, đầu tư máy móc. Một lần nữa, Agribank đồng hành. Từ việc thế chấp tài sản, đến lúc không còn gì để thế chấp, ngân hàng linh hoạt cho vay bằng chính uy tín, lịch sử hoạt động của công ty và những đóng góp thiết thực với cộng đồng.
Đến nay, sản phẩm của Công ty cổ phần Biển Quỳnh cung ứng các sản phẩm thủy hải sản cho 7 siêu thị lớn gồm: Big C, Lotte, Co.opmart, VinMart, Bách Hóa Xanh,... các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và bếp ăn tập thể ở Hưng Yên, Bắc Giang... Hàng năm, doanh thu trung bình của doanh nghiệp đạt khoảng 25 tỷ đồng, có năm 29-30 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 30 lao động thường xuyên (với mức lương từ 5-8 triệu đồng/người/tháng) và thu mua ổn định cho hàng chục chủ tàu cá, chưa kể hàng chục người làm thời vụ khi cao điểm.

Cán bộ ngân hàng tới thăm Công ty cổ phần Biển Quỳnh.
Công ty cổ phần Biển Quỳnh đang nuôi tham vọng xây dựng nhà máy chế biến thủy sản đạt chuẩn xuất khẩu với tổng vốn đầu tư lên tới 40 tỷ đồng. Vị trí đã được quy hoạch tại khu công nghiệp chuyên ngành thủy sản, diện tích hơn 1,7 ha.
Không giấu giếm, anh Long thẳng thắn chia sẻ,"Chúng tôi rất mong Agribank Hoàng Mai tiếp tục đồng hành để phát triển".
Hiện công ty đã mở tài khoản giao dịch quốc tế, bắt đầu xuất khẩu gián tiếp sang Mỹ, Hong Kong. Mục tiêu sắp tới là có mã số xuất khẩu riêng, chủ động đưa hàng Việt ra thế giới.
"Công ty cổ phần Biển Quỳnh luôn chọn Agribank Hoàng Mai để giao dịch" – anh Long khẳng định, như một lời tri ân dành cho ngân hàng đã đồng hành từ những ngày đầu khởi nghiệp.
Gieo hy vọng từ… hai lần trắng tay
Nếu như Công ty cổ phần Biển Quỳnh là câu chuyện khởi nghiệp bài bản, từng bước mở rộng thị trường thì ở một góc khác của Hoàng Mai, người nông dân Nguyễn Đình Quỳnh lại khởi nghiệp bằng... những trái bí xanh và hai lần trắng tay.
Vay vốn Agribank khởi nghiệp năm 2020 với mô hình trồng rau màu an toàn tại Hưng Nguyên, anh Quỳnh đầu tư vào 2ha trồng bí xanh, mướp đắng, cà rốt… bằng phân hữu cơ Nhật Bản, nước sạch khoan sâu, quy trình canh tác hiện đại. Nhưng rồi dịch COVID-19 ập đến, giao thương ngưng trệ, bí xanh đến kỳ không thể bán, anh phải đi... phát miễn phí.
Lần đầu tiên trắng tay, trong lúc chưa biết bấu víu vào đâu, Agribank – Chi nhánh Hoàng Mai chủ động khoanh nợ trong thời gian hơn một năm, giúp ông Quỳnh vực dậy mà không áp lực trả nợ.

Nông dân Nguyễn Đình Quỳnh trò chuyện cùng cán bộ Agribank.
Năm 2023, vụ bí xanh hứa hẹn được mùa thì một cơn bão trái mùa đổ bộ, cọc sắt đổ, toàn bộ ruộng bí bị quật ngã, mất trắng. Lần thứ hai trắng tay, Agribank tiếp tục đồng hành. Ông Quỳnh được hỗ trợ vay vốn tái đầu tư với lãi suất ưu đãi chỉ từ 0,6–0,75%/tháng, thủ tục nhanh gọn.
Nhờ những lần được Agribank "đỡ" qua khủng hoảng, mô hình sản xuất của anh Quỳnh hiện nay đã mở rộng lên hơn 25ha, chia làm ba khu vực, canh tác theo hướng sạch – an toàn – truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm chủ lực gồm bí xanh, cà rốt, bầu, mướp đắng… cung ứng cho thương lái và các hợp tác xã liên kết. Doanh thu mỗi năm dao động từ vài tỷ đồng, cao điểm có năm lên tới 10 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng đạt khoảng 50%, nhờ vào chiến lược sản xuất hiệu quả, kiểm soát chi phí và ứng dụng công nghệ.
Khi được hỏi về mối quan hệ với ngân hàng, anh Quỳnh không giấu sự xúc động:"Ngân hàng không chỉ cho vay, mà còn đứng cạnh chúng tôi những lúc tưởng như không gượng nổi. Hai lần trắng tay, hai lần được giúp đúng lúc. Có được ngày hôm nay, Agribank hỗ trợ nhiều lắm".
Cho vay là trách nhiệm, lan tỏa là sứ mệnh
Ông Hồ Văn Hảo, Phó Giám đốc Agribank tỉnh Nghệ An, chia sẻ: "Không chỉ cho vay, Agribank còn là 'bà đỡ' đồng hành, hướng dẫn người trẻ phát triển đúng hướng".
Theo ông Hảo, tại thị xã Hoàng Mai, chính quyền địa phương tạo điều kiện, thanh niên có chí hướng, còn ngân hàng sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ vốn. Với Agribank, niềm vui không nằm ở khoản vay lớn, mà là khi thấy đồng vốn ngân hàng góp phần giúp thanh niên khởi nghiệp thành công, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, đưa sản phẩm địa phương vươn xa mà không cần ly hương.
Riêng với Công ty cổ phần Biển Quỳnh, ông Hảo cho biết: Doanh nghiệp là một trong những khách hàng tiêu biểu được vay theo gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng dành cho nông – lâm – thủy sản, với lãi suất thấp hơn từ 1–2% so với mặt bằng chung. Agribank quyết định tỷ lệ cho vay đối với khoản vay có tài sản đảm bảo lên tới 85%. Nếu có hàng hóa, Agribank coi hàng hóa đó là tài thế chấp chấp. Và nếu công ty có lợi thế thương mại, ngân hàng cũng coi đó là một lợi thế để cho vay tín chấp. Cho nên, khách hàng đảm bảo đủ uy tín, Agribank đánh giá dựa trên tiêu chí của đơn vị mình đặt ra để cấp tín dụng tối đa cho khách hàng.
"Khách hàng như Công ty cổ phần Biển Quỳnh không chỉ đi vay, mà còn góp phần xây dựng cộng đồng, giữ người trẻ ở lại quê hương. Đó chính là trách nhiệm xã hội mà Agribank luôn theo đuổi".
0 nhận xét